Việc cho trẻ được trải nghiệm một không gian Tết cổ truyền ngay tại trường học là hoạt động thiết thực, giúp trẻ hiểu hơn, yêu hơn và có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Việt Nam là đất nước đậm đà bản sắc dân tộc với các phong tục tập quán, truyền thống, lễ hội,… đều được lưu truyền sâu rộng trong nhân dân, từ đời này nối tiếp đời sau. Mỗi năm, cứ đến cận kề ngày Tết cổ truyền của dân tộc thì người người, nhà nhà đều nô nức sắm sửa chuẩn bị đón tết và không quên gói những chiếc bánh chưng chứa đựng hương vị đầm ấm, sum vầy. Có thể nói nếu thiếu hương vị bánh chưng thì ngày Tết cũng mất đi một phần giá trị truyền thống của nó.
Bánh chưng có từ bao giờ cũng không ai biết rõ nhưng theo sự tích kể lại, vào những năm vua Hùng thứ sáu, sau khi đánh đuổi giặc Ân, vua có ý truyền ngôi cho con nên ban lệnh: Ai tìm được món ăn ngon, có ý nghĩa nhất sẽ được truyền ngôi. Lang Liêu người con thứ mười tám, dâng lên cho vua cha món bánh chưng, bánh dày, vua Hùng ăn thấy ngon và rất có ý nghĩa bèn truyền ngôi cho.
Kể từ đó mỗi dịp Tết Nguyên Đán, dân chúng lại làm món bánh này để dâng cúng tổ tiên, trời đất.
Bánh chưng là món ăn xuất hiện hầu hết trong các dịp lễ, Tết hay các ngày trọng đại của mỗi gia đình. Chiếc bánh hình vuông, được gói lá xanh bên ngoài, bên trong là lớp bánh bằng gạo nếp với nhân đậu xanh, thịt lợn ba chỉ kèm theo là các gia vị hành tươi, hành củ khô, tiêu. Tất cả các nguyên liệu kết hợp rất hoà quyện tạo nên một món ăn rất hợp khẩu vị người Á Đông, ăn kèm củ kiệu (hành muối) thì món bánh lại càng thêm đậm đà hương vị. Chiếc bánh
được bao bọc bằng lớp lá xanh cũng như tình cảm yêu thương đùm bọc của gia đình, những nguyên liệu không quá cầu kỳ, lúa gạo, đậu hay thịt đều là sản phẩm của nền văn minh lúa nước cho xưa cho tới nền nông nghiệp hiện đại ngày nay. Có lẽ thế, mà chiếc bánh như biểu tượng của đất, là một hoá thân của mẹ thiên nhiên tạo thành. Trong tâm thức mỗi người Việt, chiếc bánh gói ghém biết bao tình cảm thân thương, sự sum vầy, đoàn tụ của gia đình.
Hòa chung không khí đó, sáng ngày 19/01/2022, các cô giáo ở điểm bản Xa Dung C trường mầm non Ban Mai tổ chức một buổi trải nghiệm rất đặc biệt cho các bé “
Gói bánh chưng” với sự chuẩn bị chu đáo của các cô giáo trong lớp các nguyên liệu như lá dong, lạt buộc, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn để làm cho mỗi trẻ một chiếc bánh chưng nhỏ xinh mang đặc trưng của ngày Tết. Đây cũng là món quà mà các cô giáo dành tặng các bé trước khi nghỉ Tết.
Trước khi bắt tay vào làm, các bé được cô giáo kể cho nghe câu chuyện "Sự tích bánh chưng, bánh dày" và hướng dẫn đầy đủ các bước làm. Bé nào cũng được tự tay gói chiếc bánh chưng của mình. Các bé tỏ ra rất thích thú và hào hứng khi được học hỏi thêm về phong tục Tết cổ truyền của dân tộc, tự tay làm một món ăn truyền thống đặc trưng của ngày Tết.
Những sản phẩm làm ra tuy chưa được vuông vắn, hoàn hảo nhưng chứa đựng sự cố gắng rất lớn của các bé. Mỗi chiếc bánh sau khi luộc xong sẽ được gửi lại để học sinh mang về nhà, khoe “thành tích” với bố mẹ, ông bà. Sau hoạt động này, khi được hỏi về nguyên liệu để gói bánh chưng, bạn nhỏ nào cũng có thể trả lời vanh vách, nào là gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong...
Bánh chưng làm cho chúng ta luôn nhớ về những gì thân thương nhất, gần gũi nhất, đầm ấm nhất. Và đó là những gì lớ MGG Xa Dung C trường mầm non Ban Mai muốn mang lại cho các con: Một ngôi trường gần gũi, thân thương, đầm ấm và ngập tràn tiếng cười.
Sau đây là buổi trải nghiệm gói bánh chưng của các bé: